Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), còn được gọi là Trường ĐH Việt Pháp, là trường đại học công lập theo mô hình tiên tiến quốc tế được thành lập theo Quyết định số 2067/QĐ-TTg ký ngày 09/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp ký ngày 12/11/2009.
Trường USTH đã đạt kiểm định quốc tế về tổ chức và hoạt động của Trường theo bộ tiêu chuẩn của Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) ngày 26/10/2023.
Trường đào tạo theo tiến trình Bologna của châu Âu với mô hình LMD: Đại học (3 năm, 180 tín chỉ) – Thạc sĩ (2 năm, 120 tín chỉ) – Tiến sĩ (3 năm, 180 tín chỉ). Chương trình đào tạo trình độ Tiến sĩ tại Trường USTH được xây dựng với triết lí: Nhà khoa học là một bộ phận tinh hoa của xã hội. Các nghiên cứu sinh được đào tạo để có khả năng nghiên cứu và sáng tạo ra các giá trị mới phục vụ sự phát triển của xã hội và cộng đồng.
Chương trình đào tạo trình độ Tiến sĩ do các nhà khoa học Việt Nam và Pháp xây dựng từ nhu cầu phát triển của xã hội và của chính cộng đồng khoa học trên cơ sở các lĩnh vực nghiên cứu thế mạnh tại Trường USTH. Điều này cho phép các nghiên cứu sinh có điều kiện học tập nghiên cứu trong môi trường chuẩn quốc tế, từ đó có sự chuẩn bị kĩ càng cho nghề nghiệp tương lai. Khi tốt nghiệp, nghiên cứu sinh được cấp bằng Tiến sĩ có giá trị học thuật được quốc tế công nhận.
1. Ngành đào tạo
- Công nghệ Sinh học nông, y, dược
- Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano
- Nước – Môi trường – Hải dương học
- Công nghệ Thông tin và Truyền thông
- Năng lượng
- Khoa học Vũ trụ và Ứng dụng
- Hóa học
2. Thời gian đào tạo
Chương trình đào tạo trình độ Tiến sĩ được tổ chức theo hình thức đào tạo chính quy. Thời gian đào tạo là 3 năm đối với người có bằng Thạc sĩ và 4 năm đối với người có bằng Cử nhân.
3. Điều kiện dự tuyển
Ứng viên dự tuyển chương trình đào tạo tiến sĩ tại Trường USTH phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có bằng Thạc sĩ hệ chính quy đúng chuyên ngành hoặc thuộc chuyên ngành phù hợp với chuyên ngành đăng ký dự tuyển; hoặc ứng viên có bằng Cử nhân hệ chính quy loại giỏi trở lên đúng ngành hoặc ngành phù hợp với chuyên ngành đào tạo dự tuyển;
- Có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu; hoặc bài báo, báo cáo khoa học đã công bố; hoặc có thời gian công tác từ 02 năm (24 tháng) trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ;
- Điều kiện ngoại ngữ: Ứng viên có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên và được đào tạo toàn thời gian với ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh hoặc có một trong các chứng chỉ tiếng Anh còn hiệu lực sau:
- TOEFL iBT từ 46 trở lên;
- IELTS từ 5.5 trở lên;
- TOEIC (Nghe: 400; Đọc: 385; Nói: 160; Viết: 150 trở lên)
- Cambridge Assessment English: B2 First/Linguaskill từ 160 trở lên;
- Chứng chỉ ngoại ngữ khác tương đương trình độ bậc 4 (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
- Có đề cương nghiên cứu được cán bộ hướng dẫn đồng ý (theo mẫu).
4. Cán bộ hướng dẫn
- Mỗi ứng viên được đề xuất tối đa hai cán bộ hướng dẫn:
+ Ít nhất một cán bộ hướng dẫn phải là giảng viên cơ hữu của Trường USTH, hoặc là giảng viên người Pháp đang giảng dạy hoặc làm việc tại một trong các phòng thí nghiệm của Trường hoặc phòng thí nghiệm liên kết với Trường tại Việt Nam.
+ Cán bộ hướng dẫn còn lại là một nhà khoa học đang làm việc tại một trường đại học hoặc viện nghiên cứu ở Việt Nam hoặc nước ngoài.
- Cán bộ hướng dẫn cần phải: Có học vị Tiến sĩ trở lên và có ít nhất 3 năm công tác tính từ thời điểm có học vị Tiến sĩ; có hoạt động nghiên cứu khoa học thuộc chuyên môn phù hợp với đề cương nghiên cứu của ứng viên trong thời gian 3 năm trước khi tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh; đảm bảo các điều kiện khác theo quy định tại Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Chính sách học bổng và hỗ trợ sinh hoạt phí
Trường USTH có các loại học bổng cho nghiên cứu sinh (NCS) mới nhập học và đang theo học tại Trường như sau:
– Học bổng Tiếp nối (DS-PS): dành cho các NCS đã tốt nghiệp chương trình thạc sĩ của Trường và theo học tiếp tại Trường, mức học bổng lên đến 30.000.000 VNĐ (học bổng cấp cho năm học đầu tiên).
– Học bổng Tăng cường năng lực (DS-CS): dành cho cán bộ của các Viện nghiên cứu, Trung tâm của Viện Hàn lâm KHCNVN. Mức học bổng 50% học phí của chương trình đào tạo/ năm học.
– Học bổng Kết nối: dành cho nghiên cứu sinh đến từ các đơn vị có ký thỏa thuận hợp tác với Trường trong đó có điều khoản về hỗ trợ học phí: Mức học bổng được quy định theo thỏa thuận hợp tác.
– Học bổng cho sinh viên quốc tế (GS): dành cho nghiên cứu sinh quốc tế theo học tại Trường có GPA chương trình đại học, thạc sĩ từ 12/20 trở lên hoặc tương đương. Mức học bổng cao nhất tương đương 100 % học phí toàn khóa học.
– Học bổng Khuyến khích học tập: dành cho các NCS có thành tích học tập xuất sắc đã nhập học vào trường, mức học bổng lên đến 30.000.000 VNĐ/ năm học
– Học bổng hỗ trợ sinh hoạt phí: Nhà trường có chương trình hỗ trợ tài chính cho NCS khi NCS tham gia vào các hoạt động giảng dạy tại trường.
Hội đồng xét học bổng của Trường quyết định danh sách NCS được nhận học bổng theo Quy định về học bổng cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của Trường.
6. Hồ sơ đăng ký dự tuyển
Hồ sơ đăng ký dự tuyển (bằng Tiếng Anh) gồm các giấy tờ sau đây:
- Phiếu đăng ký dự tuyển (theo mẫu).
- Bản sao công chứng các văn bằng, bảng điểm chương trình Cử nhân và Thạc sĩ. Nếu văn bằng, bảng điểm không được viết bằng tiếng Anh, thí sinh cần nộp bản sao công chứng dịch sang tiếng Anh.* Văn bằng và bảng điểm do nước ngoài cấp cần nộp kèm theo giải thích về thang điểm đánh giá của cơ sở đào tạo nước ngoài.
- Bản sao công chứng các chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định.
- Thư trình bày nguyện vọng của người dự tuyển.
- Lý lịch mới nhất (CV) bằng tiếng Anh, trong đó trình bày quá trình và thành tích học tập, kinh nghiệm nghề nghiệp hay kinh nghiệm trong các hoạt động sinh viên.
- Xác nhận thời gian công tác của cơ quan/đơn vị nơi ứng viên đang làm việc (nếu có) (theo mẫu).
- Thư chấp nhận hướng dẫn khoa học và lý lịch khoa học của cán bộ hướng dẫn và đồng hướng dẫn (theo mẫu).
- Thư giới thiệu của 2 nhà khoa học có bằng tiến sĩ trở lên (theo mẫu).
- Đề cương nghiên cứu viết bằng tiếng Anh (15-20 trang A4) (theo mẫu).
- Danh mục đầy đủ và bản sao các bài báo, công bố khoa học trong các tạp chí trong nước, quốc tế (nếu có).
- Bản sao bằng khen, giải thưởng (nếu có).
Các biểu mẫu có thể tải TẠI ĐÂY
*Ứng viên chưa có Bằng Thạc sĩ, có thể nộp trước Giấy xác nhận tốt nghiệp Thạc sĩ hoặc Bảng điểm tạm thời (bản sao công chứng dịch sang Tiếng Anh). Trong trường hợp trúng tuyển, ứng viên cần bổ sung Bằng tốt nghiệp Thạc sĩ cũng như Bảng điểm chính thức để được công nhận kết quả trúng tuyển.
7. Thời gian nhận hồ sơ tuyển sinh: Từ 01/03/2024 đến 31/08/2024
8. Lệ phí đăng ký dự tuyển
Lệ phí đăng kí dự tuyển: 1.000.000 VNĐ/ hồ sơ (đóng khi nộp hồ sơ dự tuyển và không được hoàn trả trong mọi trường hợp).
9. Cách thức nộp hồ sơ
Ứng viên nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký dự tuyển bằng Tiếng Anh gồm các giấy tờ nêu trên cho Trường USTH tại địa chỉ sau:
Khoa Đào tạo Tiến sĩ Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội Phòng 102, Nhà A21 Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội Điện thoại: +84 247 772 7748, +84 247 774 7748 |
- Họ và tên ứng viên
- Số điện thoại cố định/di động và địa chỉ email
- Chuyên ngành dự tuyển
Đồng thời với việc gửi bản cứng, ứng viên cần scan bộ hồ sơ đăng ký dự tuyển thành file định dạng PDF với dung lượng không quá 6MB (có thể zip), gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ sau: doctoral.school@usth.edu.vn (Khoa Đào tạo Tiến sĩ) với tiêu đề: Admission.PhD-Tên chuyên ngành-Tên ứng viên. Ứng viên có thể liên hệ với Bộ phận Tuyển sinh qua số điện thoại +84 247 772 7748, +84 247 774 7748 (Lê Thị Cúc) để được tư vấn và hỗ trợ chuẩn bị và nộp hồ sơ.
Ứng viên có thể tìm hiểu các thông tin về Khoa Đào tạo Tiến sĩ và chính sách Học bổng và hỗ trợ sinh hoạt phí trên website của Trường tại địa chỉ: www.usth.edu.vn.